Lịch sử Vĩnh Châu

Nguồn gốc tên gọi

Ban đầu, địa danh Vĩnh Châu chỉ là tên một làng thuộc tổng Thạnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Sau này, thực dân Pháp thành lập quận và đặt tên là quận Vĩnh Châu do lấy theo tên gọi làng Vĩnh Châu vốn là nơi đặt quận lỵ.

Thời Pháp thuộc

Vào thời Nhà Nguyễn độc lập, vùng đất Vĩnh Châu ngày nay thuộc tổng Thạnh Hưng, huyện Phong Thạnh, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang.

Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời Nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Tổng Thạnh Hưng lúc này thuộc hạt Thanh tra Ba Xuyên và sau đó là hạt Thanh tra Sóc Trăng. Năm 1877, hạt Thanh tra Sóc Trăng đổi thành hạt tham biện Sóc Trăng. Năm 1882, thực dân Pháp thiết lập hạt tham biện Bạc Liêu trên cơ sở tách 3 tổng Quảng Long, Quảng Xuyên và Long Hưng của hạt tham biện Rạch Giá hợp với 2 tổng Thạnh Hòa và Thạnh Hưng tách từ hạt tham biện Sóc Trăng chuyển sang.

Ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Đông Dương điều thống nhất gọi là "tỉnh", trong đó có tỉnh Bạc Liêu. Lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ có 2 quận: Vĩnh Lợi và Cà Mau. Quận Vĩnh Lợi khi đó gồm 2 tổng là Thạnh Hòa và Thạnh Hưng vốn trước năm 1882 cùng thuộc địa bàn hạt Sóc Trăng.

Năm 1904, quận Vĩnh Châu thuộc tỉnh Bạc Liêu được thành lập trên cơ sở tách tổng Thạnh Hưng ra khỏi quận Vĩnh Lợi. Quận Vĩnh Châu có một tổng duy nhất là Thạnh Hưng với 5 làng trực thuộc: Vĩnh Châu, Vĩnh Phước, Lai Hòa, Lạc Hòa, Khánh Hòa. Quận lỵ đặt tại làng Vĩnh Châu.

Năm 1948, chính quyền Việt Minh quyết định giao huyện Vĩnh Châu cho tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, đến tháng 9 năm 1954 huyện Vĩnh Châu lại được đưa về tỉnh Bạc Liêu.

Giai đoạn 1956-1976

Việt Nam Cộng hòa

Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Thời Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng được hợp nhất thành tỉnh mới là tỉnh Ba Xuyên vào ngày 22 tháng 10 năm 1956. Lúc này, quận Vĩnh Châu thuộc tỉnh Ba Xuyên.

Năm 1957, quận Vĩnh Châu bị giải thể, sáp nhập vào quận Vĩnh Lợi cùng thuộc tỉnh Ba Xuyên.

Ngày 5 tháng 12 năm 1960, quận Vĩnh Châu được tái lập, quận lỵ đặt tại xã Vĩnh Châu. Quận Vĩnh Châu có một tồng là Thạnh Hưng, do tách ra từ quận Vĩnh Lợi.

Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Thủ tướng chính quyền mới của Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh số 254-NV quy định kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1964 tái lập tỉnh Bạc Liêu. Quận Vĩnh Châu trở lại thuộc tỉnh Bạc Liêu cho đến năm 1975.

Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận. Quận Vĩnh Châu khi đó vẫn gồm 5 xã: Vĩnh Châu, Vĩnh Phước, Lai Hòa, Lạc Hòa, Khánh Hòa. Quận lỵ đặt tại xã Vĩnh Châu.

Chính quyền Cách mạng

Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây giải thể tỉnh Bạc Liêu, đồng thời đưa các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu về tỉnh Sóc Trăng quản lý. Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định hợp nhất huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi, thành huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu. Năm 1963, Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định giải thể huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu, tái lập huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi.

Trong giai đoạn 1964-1973, địa bàn tỉnh Bạc Liêu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn do tỉnh Sóc Trăng của chính quyền cách mạng quản lý. Chính vì vậy, huyện Vĩnh Châu vẫn thuộc tỉnh Sóc Trăng. Tháng 11 năm 1973, khi Liên Tỉnh uỷ miền Tây tái lập tỉnh Bạc Liêu thì huyện Vĩnh Châu vẫn tiếp tục thuộc tỉnh Sóc Trăng như trước cho đến năm 1976.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa). Huyện lỵ là thị trấn Vĩnh Châu, được thành lập do tách đất từ xã Vĩnh Châu trước đó.

Từ năm 1976 đến nay

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơthành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang. Lúc này, huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Hậu Giang. Huyện Vĩnh Châu ban đầu gồm thị trấn Vĩnh Châu và 5 xã: Khánh Hòa, Lạc Hòa, Lai Hòa, Vĩnh Châu, Vĩnh Phước.

Ngày 15 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 70-HĐBT[1] về việc chia một số xã để thành lập các xã mới ở huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Hậu Giang như sau:

  • Chia xã Lai Hoà thành bốn xã lấy tên là xã Lai Hoà, xã Hoà Hải, xã Hoà Phước và xã Hoà Điền.
  • Chia xã Vĩnh Phước thành bảy xã lấy tên là xã Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Tiến, Vĩnh Bình, Vĩnh Hiệp và xã Vĩnh Tỉnh.
  • Chia xã Khánh Hoà thành bốn xã lấy tên là xã Khánh Hoà, Châu Khánh, Hoà Khởi và xã Hoà Đông.
  • Chia xã Lạc Hoà thành hai xã lây tên là xã Lạc Hoà và xã Hoà Thanh.
  • Chia xã Vĩnh Châu thành bốn xã lấy tên là xã Vĩnh Châu, Vĩnh Khánh, Vĩnh Hải và xã Vĩnh Hoà.

Tuy nhiên, sau đó các đơn vị hành chính cấp xã trong huyện Vĩnh Châu được sắp xếp lại, một số xã bị giải thể.

Ngày 16 tháng 9 năm 1989, tiến hành phân vạch địa giới một số xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Châu, tỉnh Hậu Giang. Huyện Vĩnh Châu gồm thị trấn Vĩnh Châu và 13 xã: Hòa Hải, Lai Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Phước, Vĩnh Tiến, Vĩnh Hiệp, Hòa Thanh, Khánh Hòa, Hòa Đông, Vĩnh Châu, Vĩnh Hòa, Lạc Hòa, Vĩnh Hải.

Ngày 7 tháng 12 năm 1990, địa giới hành chính một số xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Châu được điều chỉnh lại, cụ thể:

  • Giải thể xã Hòa Hải, sáp nhập vào xã Lai Hòa và xã Vĩnh Tân;
  • Giải thể xã Vĩnh Tiến, sáp nhập vào xã Vĩnh Phước và xã Vĩnh Hiệp;
  • Giải thể xã Hòa Thanh, sáp nhập vào xã Khánh Hòa và xã Hòa Đông.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng, gồm 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Vĩnh Châu và 9 xã: Hòa Đông, Khánh Hòa, Lạc Hòa, Lai Hòa, Vĩnh Châu, Vĩnh Hải, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Phước, Vĩnh Tân.

Ngày 27 tháng 4 năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 473/QĐ-BXD công nhận thị trấn Vĩnh Châu là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Sóc Trăng.[2]

Ngày 25 tháng 8 năm 2011, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP[3] về việc thành lập thị xã Vĩnh Châu, thành lập các phường thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nội dung Nghị quyết như sau:

1. Thành lập thị xã Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng

Thành lập thị xã Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng trên cơ sở toàn bộ 47.339,48 ha diện tích tự nhiên và 163.918 nhân khẩu của huyện Vĩnh Châu.

2. Thành lập các phường thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng:

  • Thành lập phường 1 thuộc thị xã Vĩnh Châu trên cơ sở toàn bộ 1.344,41 ha diện tích tự nhiên và 20.358 nhân khẩu của thị trấn Vĩnh Châu.
  • Thành lập phường 2 thuộc thị xã Vĩnh Châu trên cơ sở toàn bộ 4.470,84 ha diện tích tự nhiên và 22.175 nhân khẩu của xã Vĩnh Châu.
  • Thành lập phường Vĩnh Phước thuộc thị xã Vĩnh Châu trên cơ sở toàn bộ 5.103,74 ha diện tích tự nhiên và 23.311 nhân khẩu của xã Vĩnh Phước.
  • Thành lập phường Khánh Hòa thuộc thị xã Vĩnh Châu trên cơ sở toàn bộ 4.590,84 ha diện tích tự nhiên và 10.475 nhân khẩu của xã Khánh Hòa.

Sau khi thành lập thị xã Vĩnh Châu và thành lập các phường trực thuộc, thị xã Vĩnh Châu có 47.339,48 ha diện tích tự nhiên và 163.918 nhân khẩu; có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 4 phường: phường 1, phường 2, phường Vĩnh Phước, phường Khánh Hòa và 6 xã: Lai Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Hiệp, Hòa Đông, Lạc Hòa, Vĩnh Hải.